Chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi thường ngủ từ 14 – 17 giờ mỗi ngày. Thời gian ngủ của con được phân tán trong suốt cả ngày. Bé thường ngủ sau khi bú no, tắm mát, thay tã sạch sẽ. Việc ngủ đủ giấc ngủ rất quan trọng với sự tăng trưởng của trẻ vì hầu hết sự tăng trưởng diễn ra trong khi bé đang ngủ.
Chăm sóc tốt cho bé 1 tháng tuổi
- Cho bé bú khi bé đói: Bạn hãy cho con ăn theo nhu cầu, đừng ép bé ăn theo lịch của bạn. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng bé ăn ít nhất 6 lần/ngày nếu bạn cho bé dùng sữa công thức và 12 lần/ngày nếu bạn cho con bú mẹ.
- Hãy để bé ngủ theo nhu cầu của con, đừng ép bé ngủ khi con không muốn hoặc đánh thức khi con đang ngủ ngon. Một giấc ngủ có chất lượng tốt rất quan trọng cho sự tăng trưởng trẻ.
- Bạn hãy tương tác với con, nói chuyện và chơi với bé thường xuyên. Đây là cách tuyệt vời để phát triển kỹ năng giao tiếp của trẻ sơ sinh.
- Khi cho bé ngủ, bạn cần đảm bảo rằng chỗ ngủ của con không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào (cách xa cửa sổ, cửa ra vào, không có bất kỳ vật dụng hay đồ chơi có thể gây hại… để tránh ngạt thở), ánh sáng dịu nhẹ, nhiệt độ mát mẻ… Bạn nên cho con ngủ trong cũi để hạn chế nguy cơ con trở mình rơi xuống đất.
- Luôn rửa tay sạch trước khi cho bé bú, chăm sóc bé, sau khi thay tã…
- Hãy đưa bé đi khám sức khỏe và tiêm chủng đúng lịch. Việc này giúp bảo vệ con khỏi nhiều căn bệnh nguy hiểm.
Lời khuyên khi chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi
Bạn có thể làm theo các mẹo sau để đảm bảo rằng con bạn được cung cấp đầy đủ và đang đi đúng hướng phát triển.
- Cho bé tiếp xúc da kề da: Bé sẽ cảm thấy được an ủi khi được tiếp xúc da với cha/mẹ. Việc ôm ấp, vỗ về… của bạn sẽ giúp cảm thấy yên tâm.
- Cho bé vài món đồ chơi an toàn, lục lạc… để con chơi.
- Massage cho bé và di chuyển chân của con theo động tác đạp xe nhằm xây dựng kỹ năng vận động của trẻ. Điều này sẽ giúp xây dựng sức mạnh cơ bắp cho trẻ để hỗ trợ cho việc bò và bước đi sau này.
- Hãy đưa bé đến gặp bác sĩ nếu bạn nhận thấy bé bú kém, bỏ bú, ngủ không ngon giấc. Lưu ý là bạn cũng nên đưa con đi khám nếu nhận thấy rằng bé không phản hồi với âm thanh hoặc giọng nói.
Mỗi giai đoạn phát triển của bé là rất quan trọng và nếu bạn nhận thấy bất kỳ sự chậm phát triển nào, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ nhi khoa để kịp thời phát hiện các bất thường.
Theo Lan Quan