1. Chăm sóc trước khi sinh
Chăm sóc trước khi sinh là chăm sóc sức khỏe của cả mẹ và bé trong thời gian người phụ nữ mang thai, bao gồm chăm sóc y tế, giáo dục và tư vấn. Tất cả mẹ bầu đều cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên để đảm bảo rằng thai nhi phát triển tốt và khỏe mạnh. Bên cạnh đó, chăm sóc trước khi sinh sẽ giúp bản thân biết liệu có nguy cơ gì không và từ đó đưa ra hướng giải quyết phù hợp.
2. Khám thai lần đầu
Trong lần khám thai đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi ngày của kỳ kinh nguyệt cuối cùng của thai phụ để tính xem đã mang thai được bao nhiêu tuần và ước tính khi nào em bé sẽ chào đời. Những phụ nữ mang thai cần được kiểm tra sức khỏe toàn diện, bao gồm kiểm tra vùng chậu, làm các xét nghiệm máu, nước tiểu và kiểm tra một số bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs). Những xét nghiệm này là bước không thể thiếu trong lần đầu khám thai, qua đó có thể thấy thai nhi và mẹ có khỏe mạnh hay đang gặp vấn đề gì bất thường không.Trong lần khám thai đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi ngày của kỳ kinh nguyệt cuối cùng của thai phụ để tính xem đã mang thai được bao nhiêu tuần và ước tính khi nào em bé sẽ chào đời
Nên đi khám thai định kì theo chỉ định của bác sĩ
3. Tham gia các lớp học tiền sản
Khi tham gia các lớp học tiền sản, người mẹ có thể tìm hiểu thêm về việc mang thai, sinh con, cho con bú và làm cha mẹ. Tham gia vào các khóa học, bà bầu sẽ được hướng dẫn các kỹ năng chăm sóc trẻ sơ sinh như cho con bú, ăn, mặc tã, tắm cho bé và làm thế nào để bé luôn khỏe mạnh và an toàn. Có thể học hỏi từ những người đã có kinh nghiệm sinh con và chăm sóc trẻ nhỏ, các thành viên trong gia đình hoặc bác sĩ.
4. Nên làm gì để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh?
Điều quan trọng trước tiên là phải ăn thực phẩm lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và nghỉ ngơi nhiều. Nên tránh những thứ có thể gây hại cho thai nhi như rượu, thuốc lá, cần sa và ma túy. Nếu đang sử dụng thuốc kê đơn hoặc các loại thuốc không cần toa như vitamin và thuốc giảm đau, Nên cần đến sự tư vấn của bác sĩ để cân nhắc việc sử dụng thuốc.
Khi phụ nữ bước vào giai đoạn mang thai, đây là khoảng thời gian mẹ bầu nên chú trọng để đưa ra các chọn lựa tốt nhất cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Bạn nên lên kế hoạch và duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ bao gồm rau xanh, hoa quả, các loại ngũ cốc, sữa hoặc các thực phẩm giàu protein trong mỗi bữa ăn để giúp thai nhi phát triển toàn diện.
5. Những loại vitamin cần thiết trong thai kỳ
Một loại vitamin cực kỳ quan trọng cho bà bầu là vitamin B9 có tên là axit folic. Phụ nữ mang thai cần cung cấp đầy đủ lượng axit folic trước và trong khi mang thai để ngăn ngừa các khuyết tật bẩm sinh của não và cột sống cho thai nhi. Nhu cầu khuyến cáo axit folic dành cho bà bầu là 600 microgam mỗi ngày. Ngoài ra, sắt cũng rất quan trọng. Phụ nữ khi mang thai cần nhiều chất sắt hơn trong thai kỳ để tạo thêm máu mang oxy đến cho thai nhi, giúp bé khỏe mạnh.
Một cách để có được tất cả các vitamin và khoáng chất cần thiết trong thai kỳ là uống vitamin tổng hợp. Tuy nhiên, nếu dư thừa một số lượng lớn các loại vitamin có thể gây hại cho thai nhi. Trong lần khám thai đầu tiên, hãy nói với bác sĩ về bất kỳ loại vitamin nào khác đang dùng, bác sĩ sẽ giúp quyết định nên uống vitamin nào.
6. Tại sao tập thể dục quan trọng trong khi mang thai?
Tập thể dục có thể giúp cung cấp cho bà bầu nhiều năng lượng hơn, giảm bớt một số khó chịu khi mang thai, giúp mạnh mẽ và tự tin hơn vào ngày lâm bồn. Nên tập thể dục đều đặn khoảng 30 phút mỗi ngày, hoặc chia nhỏ thời gian tập luyện thành 10 phút cho mỗi bài tập.
7. Vì sao cần nghỉ ngơi nhiều khi mang thai?
Khi mang thai, cơ thể chúng ta thường cảm thấy mệt mỏi, mất sức. Điều quan trọng là phải nghỉ ngơi nhiều trong khi đang mang thai. Hãy lắng nghe cơ thể. Cơ thể người mẹ cần từ 8,5- 9,5 giờ cho mỗi đêm ngủ để giúp cơ thể khỏe mạnh, thư giãn sau một ngày. Đặc biệt, khi cảm thấy có dấu hiệu mệt mỏi, nên lập tức nghỉ ngơi. Ngoài ra, tập thể dục và áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp tăng cường năng lượng một cách hiệu quả.
8. Có nên dùng thuốc trong khi mang thai?
Một số thai phụ cần dùng thuốc trong khi mang thai vì mắc phải các vấn đề về sức khỏe. Nhiều phụ nữ sử dụng thuốc không kê đơn, các loại thảo dược, vitamin hoặc khoáng chất. Tuy nhiên, không thể chắc chắn chúng là an toàn tuyệt đối cho thai nhi. Trong lần khám thai đầu tiên, nên nói với bác sĩ về loại thuốc đang dùng hoặc đang có ý định sử dụng để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
9. Vì sao không nên sử dụng các loại chất kích thích trong thai kỳ?
Rượu, thuốc lá, cần sa và các loại thuốc khác có thể gây hại cho người mẹ và em bé. Chúng dễ dàng gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sinh sản, gây tổn thương cho cả bản thân và thai nhi. Thai nhi có nguy cơ cao mắc dị tật bẩm sinh hoặc thậm chí tử vong. Nếu đang sử dụng bất kỳ chất nào trong số này, đây là thời điểm thích hợp để bỏ chúng.
Không nên uống bia rượu khi mang thai
10. Những rủi ro về sức khỏe khi mang thai
Phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe nhất định như huyết áp cao hoặc thiếu máu. Một số phụ nữ có nguy cơ bị sinh non, hoặc các vấn đề khác như vỡ ối, thai lưu, khó sinh, sinh con bị dị tật bẩm sinh, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng của bà bầu. Đặc biệt, những rủi ro này sẽ dễ xảy ra hơn đối với những phụ nữ dưới 15 tuổi hoặc những người không được chăm sóc cẩn thận trước khi sinh.
Nhiều phụ nữ cũng có khả năng mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục nếu quan hệ tình dục khi mang thai. Nên sử dụng bao cao su để ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục, giúp bảo vệ bản thân cũng như thai nhi được khỏe mạnh.
11. Những điều cần biết về nuôi con bằng sữa mẹ
Nuôi con bằng sữa mẹ là cách tốt nhất để bé phát triển toàn diện. Sữa mẹ giúp trẻ chống lại bệnh tật và dị ứng. Nuôi con bằng sữa mẹ cũng rẻ hơn so với sữa pha ngoài và có thể giúp mẹ sớm lấy lại cân nặng trước khi sinh. Nên cho con bú trong 6 tháng đầu đời của bé để cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho con khôn lớn. Nếu không thể trực tiếp cho con bú, bạn có thể hút sữa và lưu trữ sữa vào bình để bé uống khi đói.
Bài viết tham khảo nguồn: Acog.org