Cách cho trẻ sơ sinh bú bình

Hướng dẫn cách cho trẻ sơ sinh bú bình khoa học, tốt cho sức khỏe của bé đặc biệt là chống tình trạng bé bị đầy hơi, sặc sữa vô cùng hiệu quả từ chuyên gia.

Cách cho trẻ sơ sinh bú bình nhiều người nghĩ là đơn giản, ông bố bà mẹ nào cũng đều có thể làm được. Thế nhưng làm được là một chuyện, làm đúng lại là chuyện khác. Mẹ có chắc chắn đã cho bé bú bình đúng cách vừa đảm bảo an toàn cho bé, nói “không” với đầy hơi, chướng bụng, vừa đảm bảo giữ trọn vẹn dưỡng chất trong sữa của bé?

Những lưu ý khi pha sữa cho bé

– Rửa sạch tay trước khi pha sữa

– Pha sữa bằng bình sữa đã được vệ sinh, tiệt trùng cẩn thận.

– Pha đúng liều lượng ghi trên vỏ hộp sữa

– Không nên pha sữa bằng nước quá nóng hoặc quá nguội vì sẽ làm sữa bị mất chất dinh dưỡng hoặc vón cục.

– Không nên dùng nước rau củ quả để pha sữa cho bé vì dễ khiến bé bị ngộ độc bởi chất nitrat có trong rau củ.

– Không nên uống sữa chung với thuốc hoặc uống thuốc trước hay sau khi bú sữa.

– Không trộn nhiều loại sữa lại với nhau vì sẽ làm mất đi tính cân đối dinh dưỡng của sữa.

– Sữa sau khi pha không nên để ở nhiệt độ bình thường quá 2 tiếng.

– Sau khi pha sữa vặn cổ bình chặt vừa phải để không khí có thể lưu thông

– Kiểm tra nhiệt độ sữa vừa pha bằng cách nhỏ vài giọt lên mu bàn tay. Nếu cảm nhận sữa có độ ấm vừa phải thì mới bắt đầu cho bé bú.

Cách cho trẻ sơ sinh bú bình

Chuẩn bị sẵn một vị trí phù hợp và hoàn toàn thoải mái để không phải dùng nhiều sức trong quá trình cho bé bú. Đặt bé nằm nghiêng, hoặc bế bé thoải mái với phần đầu và gáy dựa vào cánh tay của mẹ. Tránh trường hợp đặt bé nằm ngửa bởi vì bé sẽ khó bú hoặc là dễ bị ọc sữa ra. Tuyệt đối không để bé tự bú sữa một mình bởi vì có thể xảy ra tình trạng sặc sữa nguy hiểm cho bé mà mẹ không thể kịp xử lý nếu không ở bên cạnh bé.

Cách cho trẻ sơ sinh bú bình đúng chuẩn là khi cho bé bú phải dốc bình lên sao cho sữa lúc nào cũng ngập đầy núm ty, bong bóng không khí không xuất hiện trong bình sữa. Nếu không em bé sẽ mút phải nhiều không khí gây đầy hơi không tốt cho bé.

Hãy cho bé ngậm hết phần núm ty. Mẹ cầm phần giữa thân bình sữa, không cầm đáy bình để trọng lượng bình sữa không đổ dồn lên miệng của bé. Đôi khi núm vú có thể bị nghẹt, mẹ nới lỏng vòng cổ bình sữa một chút để không khí lưu thông.

Khi bé bú được nửa bình mẹ hãy cho bé nghỉ một chút. Không nên để bé bú quá nhanh, trung bình 15 phút cho một bình là tốt nhất.

Không nên ép bé ăn quá nhiều mỗi cữ nhất là khi bé đã có dấu hiệu no bụng để tránh tình trạng ọc sữa và gây tâm lý sợ uống sữa cho bé.

Nếu bé không bú hết lượng sữa đã pha thì mẹ có thể bảo quản sữa đó thêm 2 – 3 tiếng trong ngăn mát tủ lạnh. Khi lấy ra để tiếp tục cho bé dùng, mẹ ngâm bình sữa trong nước ấm khoảng 20 phút để làm nóng lại sữa. Không nên dùng nước sôi vì có thể khiến sữa trong bình bị đóng váng. Nhớ lắc đều trước khi cho bé bú.

Mẹ lưu ý không nên hâm sữa bằng lò vi sóng vì sữa sẽ nóng không đều, có thể sản sinh ra những vi khuẩn không tốt cho Sức Khỏe Của Bé.

Cách chống đầy hơi, sặc sữa cho bé sơ sinh sau khi bú bình

Sau khi cho bé ăn xong, mẹ ẵm con để vỗ cho bé ợ hơi phòng trường hợp bé nuốt phải khí trong khi ăn sữa.

– Tư thế đứng bế con để vỗ ợ hơi: Áp bé tựa vào vai mẹ, mẹ hơi ngả người ra sau, bàn tay khum lại vỗ lưng bé theo chiều từ dưới đẩy lên trên.

– Tư thế ngồi bế con để vỗ ợ hơi: Một tay đỡ đầu con ngả vào ngực mẹ, đặt bé theo hướng lưng quay về phía bên trong vòng tay mẹ, tay còn lại vỗ lưng bé tương tự như tư thế đứng.

Ngoài ra, sau khi bé ăn no mẹ phải đặt con nằm nghiêng. Bởi vì dù là bú mẹ hay bú bình bé sơ sinh cũng có thói quen cuốn lưỡi lên ngậm miếng sữa cuối cùng ở trong miệng. Khi mẹ đặt nằm nghiêng bé sẽ nuốt hoặc để chảy sữa ra ngoài qua khóe miệng. Như vậy có thể tránh cho bé bị sặc sữa. Tất cả các bộ phận chức năng của trẻ sơ sinh đều còn non nớt, chưa chỉ huy được hoạt động của cơ thể, khi mẹ đặt bé nằm ngửa rất dễ dẫn đến tình trạng sặc sữa nguy hiểm cho bé.

Theo : chuchubaby.vn