1. Tìm hiểu về bệnh viêm amidan cấp ở trẻ em
Viêm Amidan là các hạch bạch huyết ở phía sau họng, nó giống như một cơ quan miễn dịch vì có nhiệm vụ ngăn cản vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Amidan còn được hiểu là cơ quan miễn dịch tại chỗ và nó hoạt động mạnh ở lứa tuổi từ 4 đến 10 tuổi khi hệ miễn dịch của cơ thể còn chưa được hoàn thiện. Từ độ tuổi dậy thì, amidan sẽ hoạt động kém dần.
Khi vi khuẩn và virus tấn công ồ ạt vào cơ thể, amidan có thể bị “quá tải” và không thể kịp thời ngăn chặn vi khuẩn gây ra phản ứng viêm và sưng. Trong trường hợp viêm amidan bị tái phát nhiều lần thì khả năng ngăn ngừa vi khuẩn của nó sẽ bị yếu dần đi.
Bệnh viêm amidan thường xảy ra ở trẻ em trên 5 tuổi. Nếu như không được điều trị đúng cách và kịp thời. Bệnh có thể gây biến chứng khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé.
Có thể chia viêm amidan thành 2 dạng: Viêm amidan cấp tính và viêm amidan mạn tính. Trong đó, viêm amidan mạn tính thì đợt bệnh sẽ kéo dài hơn viêm cấp tính.
Các biểu hiện bệnh của viêm amidan rất dễ nhầm lẫn với những bệnh thông thường về đường hô hấp như bệnh viêm họng, viêm mũi,… Vì thế, cha mẹ không nên chủ quan, trong trường hợp có bất thường cần đưa con đi khám để được bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác và điều trị hiệu quả.
1.1. Triệu chứng bệnh viêm amidan cấp tính
Trẻ có biểu hiện sốt đột ngột, sốt cao lên tới 39 độ C, có thể kèm theo dấu hiện rét run. Nếu sốt trên 39 độ thì mẹ cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt.
Trẻ lờ đờ, ăn uống kém, có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn và bỏ bú với trẻ nhỏ.
Nước tiểu của trẻ đậm màu, trẻ đi tiểu ít hoặc bị táo bón.
Họng của trẻ bị đau rát, đau nhói lên tai, khi nuốt và ho cảm giác đau nhiều hơn.
Kèm theo đó là tình trạng viêm mũi, chảy nước mũi nhiều, ngủ ngày, thở khò khè, giọng mũi hoặc giọng khàn. Trong trường hợp viêm amidan xuống thanh quản thì có thể gây hiện tượng ho có đờm.
Trẻ bị viêm amidan có thể thường xuyên đau họng, chán ăn
Khi soi đèn, có thể thấy rõ hiện tượng amidan bị sưng và đỏ. Một số trường hợp có mủ trắng khiến hơi thở của người bệnh rất hôi.
1.2. Triệu chứng của bệnh viêm amidan mạn tính
Những trường hợp viêm amidan mạn tính sẽ có những biểu hiện sau:
Có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, đặc biệt hay sốt về chiều và không có cảm giác ớn lạnh như các trường hợp bị viêm cấp tính.
Trẻ bị bệnh thường gầy yếu, da xanh.
Thường xuyên có cảm giác nuốt vướng ở họng.
Xuất hiện ho khan vào buổi sáng khi mới ngủ dậy, ho theo từng cơn.
Thường xuyên bị đau họng, rát họng.
Thay đổi giọng nói.
Dù đã vệ sinh răng miệng nhưng hơi thở bệnh nhân vẫn có mùi hôi.
2. Phương pháp điều trị viêm amidan cấp ở trẻ em
Để điều trị viêm amidan, các bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng bệnh của trẻ để lựa chọn phương pháp phù hợp nhất. Tình trạng trẻ bị viêm amidan cấp tính thường kéo dài khoảng 7 đến 10 ngày. Phương pháp điều trị viêm amidan cấp ở trẻ em phổ biến nhất là điều trị triệu chứng cho trẻ, đồng thời nâng cao thể trạng của trẻ. Trong trường hợp nghi ngờ nhiễm khuẩn hoặc có nguy cơ biến chứng, các bác sĩ có thể chỉ định dùng kháng sinh.
Trẻ bị sốt cũng có thể là dấu hiệu của bệnh
Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh sẽ có những biến chứng phức tạp, chẳng hạn như tái phát nhiều lần, tình trạng sốt kéo dài, tái sốt,… lâu dần sẽ dẫn tới viêm amidan mạn tính và rất khó để điều trị dứt điểm.
2.1. Phương pháp điều trị viêm amidan cấp cụ thể như sau:
Trước hết, cha mẹ cần để trẻ được nghỉ ngơi, cho trẻ ăn những đồ ăn dạng lỏng, dễ tiêu và cho trẻ uống thật nhiều nước.
Nếu trẻ sốt từ 38,5 độ, có thể cho trẻ uống thuốc giảm đau hạ sốt bằng Paracetamol. Uống theo liều lượng in trên bao bì và lưu ý uống cách ít nhất 4 – 6 giờ.
Có thể nhỏ mũi bằng thuốc sát trùng liều nhẹ.
Cho trẻ súc miệng với dung dịch kiềm ẩm.
Bổ sung dưỡng chất bằng các loại thức ăn dạng lỏng để nâng cao thể trạng cho trẻ.
Trẻ sốt quá cao thì cần đi khám sớm.
Cần kịp thời đưa trẻ đi khám nếu có triệu chứng bất thường
Nếu không được điều trị kịp thời thì viêm amidan có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh và có thể gây ra những biến chứng như sau: viêm xung quanh amidan, viêm loét thành họng, viêm họng mạn tính, viêm hạch cổ mạn tính, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm khớp,… thậm chí là nhiễm trùng máu rất nguy hiểm.
2.2. Một số cách phòng ngừa
Lưu ý, giữ gìn môi trường sống và học tập của trẻ luôn được sạch sẽ. Điều này càng quan trọng đối với những trẻ có sức đề kháng kém hoặc cơ thể hay bị dị ứng.
Khi thời tiết giao mùa hoặc xảy ra những dịch bệnh liên quan đến đường hô hấp thì cần phải có những biện pháp kịp thời để bảo vệ bản thân tránh tối đa nguy cơ bệnh tật.
Nếu mắc bệnh cần phải điều trị triệt để, đặc biệt là một số bệnh liên quan vùng mũi họng như viêm mũi, viêm xoang hay viêm lợi, và một số bệnh về răng miệng khác,…
Khuyến khích trẻ vận động, tập thể dụng để tăng cường sức khỏe miễn dịch.
Đảm bảo cho trẻ một chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Cha mẹ cần lưu ý về lịch tiêm phòng đầy đủ cho con.
Theo : medlatec.vn